Duck hunt
Đọc truyện
-------
“Quán đó dễ đi không mậy?”

“Qua cầu Hoàng Diệu chừng năm phút là tới.”

“Mày hay qua đó ăn lắm hả?”

“Không, chưa đi lần nào.”

Mém tí là có đứa té xe.

“Vậy sao mày nói biết.”

“Ủa, chứ bộ có quy định là phải tới quán đó ngồi ăn mới được biết đường đi hả? Ở đây ai mà không biết cái quán đó. Năm ngoái tụi con gái lớp tao đi hà rầm.”

“Lớp mày đi chứ mày có đi đâu? Bộ nó đi xong về rải đậu trên đường làm dấu cho mày đi theo hả? Lạc rồi sao?”

“Lạc thì hình mày được lên cột điện, sướng chết. Đâu phải ai cũng được.”

“Đập mày giờ.”

“Đập đi rồi mày được lên tờ báo tỉnh.”

“Mày tin tao quăng mày xuống ruộng không?”

“Thì quăng rồi mày được lên tivi, có quay cận cảnh nữa.”

“Chém mày giờ.”

“Thì xong là mày cũng được tặng bông luôn.”

Im luôn.

Thằng kia lanh quá.

Cãi đuối với nó.

Đi một hồi cũng ra được cái quán. Ơn trời.

Quán hơi nhỏ, nằm sát đường, gần ngã ba công viên Hai Bà Trưng, mặc dù là đường ngay trong trung tâm nhưng hơi vắng nên coi bộ cũng khá yên tĩnh, được cái dòm dễ thương. Hy vọng nó là xài kem Việt Nam, chứ nghe xuất xứ mà từ Trung Quốc là hết muốn ăn. Chắc cũng rẻ, mùa này mà mắc là cho nó tự trộn kem chan cơm mà nuốt.

Tụi con gái vô ngồi từ hồi năm nào. À, khi mái ngố dựng xe bước vô thì người đẹp mái ngang mới xuất hiện. Quần ngố, áo bầu (áo hơi xòe xòe rộng rộng) hơi quá, giày búp bê. Chị ấy mới mua túi xách. Và là…

Mái tự nhiên mở hàng trước:

“Trời ơi Thụy, mới mua túi xách nha.”

Chị ấy đầy tự tin, kiêu hãnh bước vô.

Như mọi khi, nó vẫn lấy tay chải lại cái mái.

“Nhiêu dạ?”

“Bảy mươi lăm ngàn.”

“Trời ơi chờ-neo (Chanel) mà có bảy mươi lăm ngàn há.”

Chị ấy đơ mặt lại. Hết nói với con mái tự nhiên, đứng hình.

Mấy em nó cười um sùm một góc.

Mái ngố là đứa cười lớn nhất, tiếng nó át tiếng xe.

Xong xuôi.

“Ủa mà sao tụi nó cười vậy Lâm, kể lại coi.”

Mái xéo quay ngang liếc.

“Vậy sao mày cười?”

“Ai biết, thấy ai cũng cười nên cười bè theo chứ đâu biết gì đâu.”

Rồi luôn.

Hôm nay hông biết ai mở hàng cái quán này.

Hay là mùng năm rồi mà chưa chịu đi đốt nhang.

Tội nghiệp, anh chủ quán chỉ biết dòm. Chắc cũng tính đường kêu tiếp viên ra tính tiền bàn đó rồi mà còn ngại.

Cũng còn muốn làm ăn.

Ly chưa bể là vui rồi.

Tới màn kêu kem mới gọi là thú vị.

“Anh, ở đây có kem dừa hông anh?”

“Kem trái dừa hay kem dừa vậy em?”

“Kem trái dừa đó anh.”

“Có, một kem trái dừa ha em?!”

“Dạ thôi, em hỏi thôi, mai em ăn. Vậy có kem dâu hông anh?”

“Anh đưa cho nó cái menu đi anh ơi.”

Mái ngố vẽ đường cho tiếp viên chạy.

Nhưng chạy trời cũng không khỏi khói.

“Anh, kem ngọc trai là ngọc trai thiệt hả anh?”

“Đúng rồi em.“

“Rủi hổng phải rồi sao anh?”

“Thì coi như đang ăn ngọc cát.”

Mái xéo trả lời thay cho anh tiếp viên.

Anh ấy bắt đầu toát mồ hôi.

“Tụi em thử được không anh?”

Mái tự nhiên còn dữ dội hơn.

“Không được em ơi, vì nó mắc lắm, đem ra lỡ đổ sao?”

“Cho mỗi đứa ly trà đá đi anh ơi. Mấy con này rộn chuyện quá.”

Chắc tiếng mái xéo. Chờ mấy đứa này kêu kem thôi mà cũng mệt người rồi.

“Vậy em ăn kem gì?”

“Kem nhiệt đới, à mà thôi cho em chai trà xanh đi anh.”

Con mái ngang chắc khiến ăn lửa ngửi khói đốt phong long. Chắc muốn tìm cảm giác mới.

“Hai em trai dùng gì?”

“Có lipton không anh?”

Mái ngố còn dzô dzuyên (vô duyên) hơn, vô quán kem uống nước trà.

“Không có em ơi.”

“Vậy cho em kem gì cũng được.”

“Kem sô-cô-la (chocolate) hén em?!”

“Cho nó kem Me-ri-nô (Merino) đi anh.”

Anh ấy nghe mệt trong người.

“Lấy một trà xanh, năm kem sô-cô-la đi anh. Kệ tụi nó.”

Mái bấm ép ăn, các em nín lặng không dám cãi.

Anh tiếp viên thì mừng trong ruột.

Thoát nợ.

Mái ngố ngồi ăn khí thế, thỉnh thoảng nó múc bớt từ ly mái xéo. Bị giậm giò quài mà không ớn.

Chắc ghiền.

Ăn xong nó quay qua dòm xe chạy, tại rảnh.

Thằng này nhỏ con mà ăn dữ dội quá.

Tự dưng nó chồm người dậy.

Mém tí rớt ly mái xéo.

Lập tức mái xéo bưng ly ra.

Rồi nó ngồi xuống.

Mặt buồn xo như mấy đứa con nít mỗi khi chờ mẹ đi chợ về mà không có quà.

Nó thẩn thờ…

Im lặng…

Không khí chùng xuống cái một. Mái duỗi quay qua dòm mái ngang, mái tự nhiên khều tay mái bấm. Mái xéo không biết khều ai, không lẽ đâm hơi khều tay mái ngố hỏi sao mày buồn hả?

Mái xéo lại ngó ra đường dòm xe chạy, dòm mặt thằng bé hết muốn ăn kem. Đường vắng trở lại. Hết xe, nó quay vô, dòm mái ngố. Nghĩ tới chuyện chiều nay phải về ăn cơm với má mà nhớ tới cái mặt thằng này chắc khỏi ăn cũng đâm no, nên nó quay lại dòm cái ly của mình cho chắc ăn.

Mái ngố ngồi ngơ ngơ như đi xe buýt bị móc rớt vé tháng. Mắt cụp xuống, dòm hi hí, tay này nắm lấy tay kia, xoa xoa, bóp bóp.

Mái xéo lấy cái muỗng ăn kem múc nước trong ly nước trà ra, đổ vô ly kem, chắc cũng lâu lắm rồi nó không được rảnh như vậy? Nó múc cho đầy ly, rồi trở ngược lại, mặt nó đơ ra, không có tí cảm xúc gì ráo. Bốn bạn gái xinh đẹp còn lại ngáp vắng thở dài, chứ biết làm gì hơn?
..bạn đang đọc truyện tại Kenhtruyen.Pro chúc các bạn vui vẻ...CHAP 5:

“Có khi nào nó biết tao tính mua thêm hai phần đem về mà mặt nó một đống vậy không mậy?”

Mái ngang nói nhỏ vừa đủ cho cả bàn nghe.

“Ly cỡ mười lăm ngàn hà má ơi, không lẽ nó tiếc với mày. Lúc nãy tao thấy nó dòm ra đường chắc thấy ai đó.”

“Chắc thấy bồ.”

“Sao mày biết?”

“Thì không thấy vậy chứ mày muốn nó thấy gì? Không lẽ thấy má nó chở ngoại chơi xích đu cái buồn hả?”

Tiếng con mái duỗi trả lời còn líu lo hơn.

Mái bấm ngồi hát vu vơ.

“ ♫ Mưa khóc lạnh lùng khi buồn và nhớ em rất nhiều. Mưa có biết đợi chờ nhớ mong. Mưa có thấy vòng tay đón em mỗi lần… ♪~ ”

Giọng nó cao dữ.

Chắc cũng hết bài hát rồi.

"Bài này bị tước giải thưởng rồi má ơi!"

Quán có mấy đứa trường Long Xuyên bước vô. Tất nhiên là chăm chú dòm rồi. Không khí lại bắt đầu ồn ào trở lại. Tụi nó thấy chắc cũng chẳng níu kéo được gì nên thôi kêu tính tiền đưa bill cho mái xéo rồi biến cho lẹ.

Tội lỗi, mái ngố buồn mà mái xéo lãnh đủ.

Thế là tạm biệt hoàng hôn. Tự ai nấy về.

Bốn chị gái cũng đi về hướng cầu Hoàng Diệu đặng ghé siêu thị, chắc đi hưởng máy lạnh chùa vì nghe đồn điện hình như sang năm tăng giá.

Mái xéo tự ra lấy xe, kêu mái ngố ra, nó vẫn còn ở trên núi chưa xuống. Làm như bị mớ, kêu lên xe là lên, ngồi, chứ không có cảm xúc. Gặp mấy bà mẹ mìn là đời thằng bé coi như xong phim, lột hết vòng vàng, (mà có khi nó tự nguyện cũng nên) rồi liệng xuống rạch Long Xuyên bơi đua với cá basa.

Mái xéo chở đi thẳng hướng Trần Hưng Đạo, không ghé vô khu dân cư “Kiên quyết bài trừ tệ nạn” chỗ nhà nó mà cứ chạy thẳng muốt tù tì, mái ngố không ý kiến. Chở đi đâu kệ nó chớ, miễn không chở đi bán là được rồi.

Đầu óc thằng bé cứ lẫn quẫn ba cái hình ảnh khi nãy. Chả biết đường đâu mà lần nữa.

Mái xéo chạy tới cầu Tôn Đức Thắng rồi nó vòng xuống chân cầu, chắc tính đi câu cá về cho má nấu canh chua bông điên điển. Không biết xe sạc điện hồi nào mà nó tự tin dữ dằn vậy?


-------

Hai thằng đứng trước ruộng mệnh mông là nước. Mùa này là mùa nước nổi, mấy ông già già buồn đời thì kêu nước chum, đám học trò nhí nhố gọi ngắn gọn nước lên, nên đâu ai trồng lúa gì, coi bộ vắng teo. Đâu đó có mấy người đi câu cá, cũng không đông lắm. Mà họ cũng chẳng quan tâm coi hai thằng này làm điên gì, chỉ cần biết cá nhỏ hay to, loại gì là đủ rồi.

“Mày đưa tao tới đây chi?”

Mái ngố chắc giờ mới tỉnh, quay lại hỏi.

“Thì cho mày la.”

“La gì pa?”

“Mày có coi phim ‘Chuyện nàng dâu’ không?”

“Có, phim Việt Nam hả?”

“Được rồi, dòm là biết coi trên núi rồi. Vậy có coi ‘Bỗng dưng muốn khóc’ hông?”

“Có.”

“Đó, có coi khúc Lương Mạnh Hải chạy ra cái ao, hồ, rạch, mương, máng gì đó không? Tập hai, ba gì đó đó.”

“Ờ có, thì sao?”

“Thì trong phim, cứ buồn buồn là chạy ra chỗ vắng la sảng, xong rồi hết. Tao chở cho mày la thử, coi hết hông? Hết thì mai mốt tao bắt chước. Mày la đi, coi như tao điếc đi, không nghe gì hết.”

“Khùng hả pa? Tự dưng tao la làng lên. Cho cả xóm họ bu lại dòm.”

“Chứ mày làm gì mà cái mặt như cái mâm, dòm cái muốn no hơi.”

“Kệ tao.”

Rồi mái ngố bỏ ra xe ngồi, nó ngồi sau yên. Mắt nó nhìn đâm bang dễ sợ.

Rồi mái xéo còn đâm bang hơn nữa.

Nó đứng trước ruộng nước.

La cho lớn lên.

Chắc tính quay clip tặng kèm luôn chắc.

“Thằng Tín khùng!!!”

Đâu đó dội lại chữ khùng, nghe hoành tráng dễ sợ.

Và thằng bé ấy quay lại liếc.

“Mày khùng á!”

Mái ngố tiếp tục.

Lượm cục đá lên chơi trò thát lát.

Vừa chọi vừa la.

“Thằng Tín khùng!!!”

Kỳ này còn lớn hơn nữa.

“Tao đập mày giờ!”

Làm được là nó bắt đầu làm quài. Kỳ này ghê gớm hơn.

“Thằng Tín khùng mắc cái mùng chết ngắc!!!”

<<< CHẾT NGẮC… Chết Ngắc… chết ngắc… >>>

Dội lại nghe cũng thú vị.

Và nó cũng không thể ngồi im.

“Thằng Lâm điên ăn cắp chuối chiên ở tù sáu tháng, ăn cắp bánh tráng ở tù tám năm!!!”

Coi bộ cũng xứng, đứa này khùng, thằng kia thì điên.

Lạy Chúa…

Giữa ruộng người ta mà thích la cho lớn.

Mái xéo la quài làm mái ngố dí chạy vòng vòng. Làm như thi điền kinh không bằng. Không biết mỏi giò chắc.

Tụi nó bỏ xe giữa đồng, không biết có khóa không nữa, coi bộ gan quá.

Mái ngố đạp sau lưng mái xéo làm thắng bé mém rớt xuống ruộng, nhưng còn gượng được. Mái xéo tiện tay nó bứt nắm cỏ gì đó nhét vô cổ áo mái ngố rồi co giò leo lên xe chạy. Tụi này rảnh quá.

Mái ngố dí theo, hai tay nắm cái yên rị lại, cứ chạy qua chạy lại vậy tới tối mới chịu đi về. Chắc nó cũng hết buồn. Hên là ruộng có người ta mà tụi nó còn giỡn rầm trời vậy. Ruộng mà vắng thì ai mà biết chuyện gì đến nữa đây?

Mái xéo đạp xe về, điện đâu nữa mà chạy, mái ngố ngồi sau lâu lâu lấy tay tọt hai bên hông làm thắng bé nhảy dựng.

“Ai kêu mày chọc tao!”

“Ờ nhớ đó, mai rồi mày biết.”

Thằng bé đạp thấy thảm thương. Ai kêu ngựa, đi cho xa chi. Tới ngỏ vô nhà, mái xéo tót xuống làm cái xe chới với, mém ngã.

Lần này nó chịu quay đầu lại, hông biết lượm đâu ra nắm cỏ nữa, nhét vô áo mái ngố thiệt nhanh.

“Về nha cái mền…”

Nó dzọt (vọt, chạy) thẳng, không dám quay lại coi cái-mền nó đang đứng cười một mình.

Coi bộ thấy cũng vui vui.

Ai mà biết được.

Chuyện của tụi chúng nó.

Toàn là con nít không.


-------

Nhưng mái xéo không có cơ hội để hành hung và mái ngố cũng không đủ may mắn để hưởng cái diễm phúc trời cho ấy. Hôm sau là thứ năm trường họp, giáo viên ăn uống gì đó nên cho nghỉ học.

Sáng thứ sáu mới có tiết đầu mà mái ngố vừa đi vừa lết, xấc bất sang bang. Mặc thêm cái áo khoác dày cui, chắc mua ở Đà Lạt hồi giáp thôi nôi. Mặt hơi ửng đỏ, đỏ không phải theo dạng dùng Nivea bị bắt nắng mà đỏ kiểu khác.

Tới chỗ là nó gục hẳn lên bàn làm mấy đứa con gái ngơ ngác. Tự hỏi lòng hôm bữa hai thằng đó đi đâu mà giờ bết dữ vậy ta?

Nghi quá!

Mái xéo ngó vậy nên cũng thôi, ngồi im không nói gì. Tự động xích sát vô tường, lấy vở Sinh ra học. Tuần rồi cô hứa sẽ ưu ái dành hai mươi phút đầu giờ huấn luyện cho các em vui chơi với bài kiểm tra nho nhỏ.

“Mày bị gì dạ?”

“Dị ứng, tự dưng nó đỏ cả người.”

Nó trả lời nghe mệt chết. Biết vậy xé giấy ra viết còn nhanh hơn.

“Hồi nào vậy?”

“Tối thứ Tư.”

“Hôm đó mình chỉ nhét cỏ vô người nó thôi mà ta? Dễ dị ứng vậy?”

Mái xéo tự suy luận.

Mái bấm quay xuống tính kêu mái xéo chở mái ngố về luôn đi cho trống lớp, ở lại lây cho cả bầy rồi nói sao?

Chưa kịp kêu thì nó sực nhớ tiết Ba kiểm tra kỹ thuật nên thôi. Tiết đầu nó đứng lên xin cô cho bạn nằm ngủ, tới đâu thì hay tới đó vậy thôi.

Ra chơi tiết một mái bấm đi với mái ngang xuống văn phòng xin ly trà nóng theo lời gợi ý của cô Lịch sử. Thuở đời nay mới thấy dị ứng mà kêu uống nước trà. Hai chị ấy cũng tung tăng đi xin, xuống tới dưới mới sực nhớ là nó không đem theo gì để đựng, ly bằng thủy tinh, nhỏ xíu, gặp cũng chẳng có tay cầm, đựng nước nóng nó nóng muốn vuột tay mà mái ngang cắn răng chịu.Tới cầu thang đi lên nó đuối quá nên đưa đại cho mái bấm. Con này làm liều lấy cái vạt trước cầm cho bớt nóng chút xíu.

Đi tới cửa lớp thì làm cái xoảng, hết phim áo dài trơn quá nên nó bị tuột tay, rớt bể tan tành. Nước sôi bắn vô chân nên dòm hai chị ngồi khóc thấy tội. Mái xéo cũng ngồi đơ mặt ra, cũng không biết sao. Nó lấy đại chai nước đá của mái duỗi đem theo đổ vô chân của mấy chị. Nghe đồn bớt rát. Cái lớp nhốn nhào lên, um sùm.

Mái ngố nằm cũng không yên, nó dòm mấy đứa đó lo cho mình mà mặt nó buồn thiu, chắc nó ngại.

Mái xéo chạy ra căn tin mua ly chanh gừng nóng đem vô cho nó uống. Lần này rút kinh nghiệm xin cái tách cho dễ.

Rồi nó rút trong cặp ra cái khăn nhỏ chườm cục nước đá đưa cho hai chị kia tự xử.

Mấy đứa khác dòm nó ngạc nhiên. Nó cũng chẳng nói gì, lẳng lặng gom mấy miếng miểng chai bỏ vô thùng rác.

Miệng lầm bầm: “Vậy là toi bài kiểm tra kỹ thuật, chưa kịp quay gì hết.”
Thỉnh thoảng mái xéo lại quay sang dòm, xót ruột. Mái ngố ngồi co thắt lại, y như con mèo con nhúng nước giếng.

Không biết nó lo thiệt hay là sợ lây bệnh nữa. Ai chứ nó thì dám lắm.

Mấy đứa bàn trên có gì thì viết giấy chuyền cho nhau, để yên mái ngố ngủ, tội nghiệp.

Lâu lâu mái tự nhiên quay xuống:

“Đỡ chưa vậy Tín?”

Và nhận trở lại là cái lắc đầu. Em nó phải làm sao đây?

Mái ngang phía trên không nói gì, nó chăm chú viết giấy. Việc làm thiết thực nhất mà nó nghĩ đến là chẳng thà tập trung chép tài liệu để một lát đọc cho mái ngố chép còn hơn là ngồi đó ngó như trông em út.


-------

Tiết ba.

Kiểm tra.

Cô cũng không khó vì biết được môn cô chờ ngàn đời cũng không xếp vào môn thi tốt nghiệp nên mấy em nó muốn làm gì thì cứ làm đi. Cô chỉ nhẹ nhàng phát đề và kêu gọi các em đem hết sách vở để lên bục giảng. Vậy thôi.

“Mày có bài chọn giống vật nuôi không? Tao bỏ quên trong cặp rồi.”

Hông biết nó nhớ gì trong đầu nữa. Mái ngố bệnh chứ mái xéo có bệnh đâu?

Mái ngố nằm dài trên bàn mà làm, thê thảm hết sức.

Môn này cô cho chung đề, cô chỉ ngồi trên bàn giáo viên viết giáo án. Các em cứ yên tâm, quay được thì quay.

Mái ngố chỉ việc điền họ và tên rồi để đó. Mọi việc còn lại được mái xéo lo liệu.

“Hình như có, tao chép hồi chủ nhật lận… Hồi sáng nhét trong túi quần rồi, mà giờ không biết bên trái hay phải. Hình như bên trái.”

“Chắc coi ba, tới ba câu lận đó.”

Rồi thằng bé uể oải nhấc cái tay lên. Làm như sắp xỉu không bằng, chờ nó kiếm ra tờ giấy tài liệu chắc cũng tới mốt.

Mái xéo không được may mắn có sẵn gen kiên nhẫn trong người nên nó thọt tay vô túi quần mái ngố làm thằng bé muốn tỉnh bệnh hẳn, ngạc nhiên dòm chăm chú. Hên là hai đứa nó ngồi bàn chót, không là cũng như xong.

Tiết kiểm tra trôi qua trong êm đẹp mặc dù có vài chi tiết nho nhỏ xảy ra nhưng cũng không đáng kể tới thành quả chung của cả tổ lắm.

Nộp bài xong mái bấm lên xin cô cho mái ngố nghỉ. Hai tiết cuối môn Lý, học hay không cũng vậy thôi vì có bao giờ cả lớp được mười đứa hiểu bài đâu? Thầy giảng trên mây còn các em ở tuốt dưới đất cái. Nghỉ cũng vừa ước mơ luôn rồi.

Mái xéo lấy xe mái ngang về vì hồi sáng ba mái ngố chở đi học. Hổng chừng mái ngố cũng chẳng biết nó đang ngồi xe nữa. Trời bắt đầu mưa nhẹ nhẹ, mái xéo ráng đạp cho nhanh. Chị này đi xe Asama, chạy cũng nhẹ đạp nên đỡ khổ.

Rồi mưa lớn hơn chút xíu. Thảm nguyên tập.

Xe mái ngang có cái áo mưa tiên lợi, nhỏ xíu, mái xéo không biết nghĩ sao? Nó chạy vô hàng hiên nhà ai đó, kêu mái ngố mặc đại vô đi rồi nó dầm mưa chở về. Vừa chạy nó vừa lấy tay quẹt nước mưa rớt trên mặt, mái ngố ngồi sau đâu thấy gì. Chỉ biết mình đang mắc nợ, vậy thôi.

“Quẹo trái hả? Chỗ khu phố Văn hóa hả?”

“Ờ, chạy một khúc tới chỗ hai cây cau đó!”

Một khúc của nó bằng cả buổi của người ta. Đạp muốn ngu người, chả biết trời trăng gì? Chạy tới được hai cây cau mái xéo cũng mệt đuối người. Chắc chưa bao giờ được khổ vậy đâu?

Nhà mái ngố nằm lưng chừng đường Hoàng Văn Thụ, đường không nhỏ lắm, mà có thể cho là rộng đi, vì xe hơi có thể chạy vừa hai chiếc ngược chiều mà. Trước nhà trồng hai chậu cây cau mới ra mấy trái nhỏ nhỏ, hai ba chậu bông sứ. Vậy là xong phần cảnh quan.

Nhà nó đơn giản, dòm rộng rãi. Vừa xây xong đâu đây nên dòm mới lắm. Nhà nó chắc lúc nào cũng không có ai nên dòm hiu quạnh quá đỗi.

“Mày để chìa khóa cổng đâu?”

“Trong cặp đó, mày kiếm đi.”

Có lấy chìa khóa thôi mà?

Đâu mà hết hơi dữ vậy?

Vậy là mái xéo phải mở cặp thằng kia ra và rà như rà lựu đạn coi xâu chìa khóa nó quăng ở đâu. Cặp mái ngố đi học chỉ với ba cuốn vở và một cuốn sách, chắc cũng lường trước việc sẽ xin đi về hay sao đó. Một đống giấy nho nhỏ được gọi là giấy quay phim, tờ giấy hai đứa chơi caro hôm học Giáo dục công dân.

“Nó giữ lại làm gì vậy trời?”

Mái xéo tự thắc mắc rồi tự suy luận 'Chắc nó quên liệng'.

Cặp được hai cây viết đen, một viết chì và hai cây thước. Cái bóp tiền, máy nghe nhạc và luôn cái điện thoại nó cũng quăng trong đây. Ngoài ra còn có thêm cọng dây chuyền màu bạc mà mái xéo đoán là của bồ tặng do thấy có chữ T khắc nổi.

Gia tài thằng này có bao nhiêu quăng vô trong đây hết, chắc để mấy đứa ăn cướp đỡ mệt, giựt một lần rồi đi luôn chứ không dư thời gian quay lại hỏi coi đồ sạc pin máy nghe nhạc xài điện bao nhiêu vôn? Làm vậy tốn xăng lắm. Dù đang hạ giá, mà cũng có hạ được bao nhiêu đâu.

Mái xéo toát mồ hôi hột để kiếm ra xâu chìa khóa trong cái đống hầm bà lắng đó.

Rồi phải đi mở cổng, mở cửa, quăng nó vô ghế salon… đẩy xe tính khóa cửa rồi về trường, nhưng thấy cũng kỳ. Chắc nó nghỉ luôn tiết cuối, chứ giờ vô chi nữa, mất công ông Long cầm cây dí chạy về không kịp.

Nó lấy điện thoại nhắn tin cho mái ngang nhờ giữ cặp giùm, rồi lôi mái ngố lên phòng nó, mệt muốn ná thở.

Mái ngố chỉ chỗ cho mái xéo lấy khăn lau mặt, mình mẩy ướt mèm, thấy tội. Nó lấy tay giũ giũ cho ráo nước. Mà làm cho có vậy thôi, chứ có bật quạt máy thổi vù vù cả ngày trời không biết đồ nó khô không?

“Mày thấy đỡ không? Nhắm ở nhà một mình được hông đó, nhắm qua khỏi mùa trăng này không? Tao về nhà thay đồ đó nghen.”

“Ừ về đi, tao đỡ mệt rồi.“

“Vậy tao về nha. Có gì thì gọi điện thoại cho tao.”

“Ờ… ”

Mái ngố bò dậy đi theo, cũng còn sức mà. Chắc đỡ thiệt.

Tới cửa, mái xéo vừa ra, đang suy nghĩ coi trả xe cho mái ngang bằng cách nào thì em nó đã té cái rật. Đứng lên không nổi nên buột lòng mái xéo phải ở lại luôn chứ biết sao bây giờ?

Mái xéo thì lạnh run cầm cập còn mái ngố thì nóng bừng bừng. Phải chi chia bớt được cho nhau thì đỡ khổ.

Mái xéo ráng moi hết mọi kỹ năng có được trong đầu để coi tình huống này chúng ta phải làm sao?

Mái xéo cũng như bao nhân vật khác trong các câu chuyện kể lại, cũng lấy khăn nhúng nước lạnh rồi đắp lên trán. Nó tính lấy đá tủ lạnh lau người nhưng mà sực nhớ sao mà lau cho được? Không lẽ bắt thằng bé lột đồ? Nói sao nó quánh cho bầm mặt. Tính luôn cả trường hợp ‘nó chịu hết xiết thì đành phải gọi điện kêu ba má thằng nhỏ về chở đi bệnh viện nhưng mái ngố cản, không cho phép'.

Dòm mái xéo ở ngoài là đứa ít nói, nói câu nào dễ nổi khùng câu đó nhưng chắc cũng là đứa sống trọng tình cảm, ngồi cứ chăm chú dòm mái ngố quài. Có khi nó còn lấy tay rờ trán coi bớt nóng chưa? Y như mấy bà mẹ chăm con mọn, dòm nó thấy tội.

Nó đi kiếm thêm cái khăn nữa, nhúng nước, lau mặt, tay, chân. Thì tất nhiên là từ đầu gối trở xuống chứ, nữa thân trên, nửa thân giữa giữa nó bỏ trống, quăng khăn cho mái ngố tự biết phải làm gì.

Biết vậy là tốt rồi, có nhiều tiến bộ.

“Mày lấy đồ tao bận kìa, đồ mày ướt nhẹp rồi.mất công mai tới tao đi thăm mày lại.”

“Sao mà bận cho vừa, đồ mày như đồ chơi búp bế (búp bê).”

“Vậy lấy đồ ba tao kìa cho rộng, làm như mày cao thước tám không bằng.”

Mái xéo chắc 1m72, hơn mái ngố cũng có nhiêu đâu, có tám centimet hà. Nó chỉ chỗ để đồ cho mái xéo tự lựa, giờ ngại cũng phải lựa thôi. Mặc được hay không cũng ráng chịu.

Sau một hồi chật vật cuối cùng cũng xong, ơn Chúa. Nó kiếm ra được cái quần lửng trắng và cái áo thun màu hồng đậm viền trắng, biết là nổi nhưng vẫn phải mặc, có bộ đó là rộng rãi, với lại dù sao dòm cũng tông xuyệt tông (ton sur ton) mà, chứ giờ biết sao? Nó lấy móc treo đỡ đồ ướt lên, và ngồi ngó tiếp.

Nó dòm ra ngoài cửa sổ, rồi dòm vô trong phòng. Tất nhiên nó không dám đụng vô đồ đạc gì, bị chửi cho chết. Ngồi ngắm thằn lằn bò trên tường. Nó hay có cái tật vuốt tóc, cứ năm, mười phút là vuốt một lần, kiểu này nói sao không hói cho sớm.

“Lâm hả? Đang ở đâu vậy?”

Mái xéo giật mình, hết giờ mau dữ vậy ta?

Tiếng mái tự nhiên, chắc chỉ có điện thoại chị này còn tiền.

“Đang ở nhà thằng Tín đó. Người nó còn hơi đỏ, với lại còn nóng lắm.”

“Vậy tụi tui qua nghen.”

“Biết đường đâu mà qua.”

“Thì mới gọi hỏi nè ba!”

Tiếng mái ngang, chắc mái tự nhiên để loa ngoài.

“Đi tới tượng đài Bông lúa, đi thẳng chút rồi quẹo trái vô đường Hoàng Văn Thụ. Ờ... khu cán bộ đó. Đi một khúc thấy nhà có hai cây cau trước cửa rồi bấm chuông. À mà mua giùm cái gì ăn luôn nghen, nó chưa ăn gì hết đó.”

“Ờ.”

Rồi mái xéo còn nghe vang vọng tiếng mái ngang đâu đây vỏng lại:

“Mua cóc với chùm ruột về ngào đường ăn cho chắc ruột.”

“Ai gọi vậy?”

“Con Khánh, tụi nó nói qua thăm mày.”

“Hay tao đưa mày vô bệnh viện hén, tao thấy nó cứ đỏ quài vậy?”

“Chắc không sao đâu mà. Dị ứng thôi, uống thuốc rồi, chắc mai hết thôi.”

Chắc hôm kia nhà nó ăn bào ngư hải sản gì đó nên hôm nay bị hành.Tội nghiệp, mai mốt ăn cua rang me, biết mình dị ứng thì ăn me ngó cua thôi. Ai mượn ăn cua chi cho giờ hành hạ người ta vậy nè?

“Mày ở nhà một mình hả?Vậy không biết chán hả?”

“Chán thì leo lên ván bắt con gián ngồi cán. Ba mẹ tao đi làm, anh tao đi học ở Sài Gòn cả năm về được vài lần, riết rồi cũng quen.”

“Anh mày học trường gì?”

“FPT.”

“Trường đó học xong ra làm gì mậy?”

“Làm mọi. Tao có học đâu mà biết. Biết là học về lập trình.”

“Mà nhà mày hồi xưa ở Tân Châu hả? Ở Thị trấn hay sao?”

“Ờ, chuyển về đây được hai tháng rồi.”

“Hồi đó mày cũng học ban xã hội luôn?”

“Ờ, thì bây giờ mới chuyển qua đây học ban xã hội. Chứ không lẽ hồi xưa tao học cơ bản mà giờ qua xã hội hả?! Đâu khùng vậy.”

Nói xong nó mới biết nói hớ. Len lén dòm mái xéo. Hên là đang bệnh, chứ không nó cũng đập cho mấy phát rồi.

“Mày đói chưa?”

“Rồi, mà làm biếng ăn quá.”

“Vậy thôi mày ngồi dòm cũng được.”

Mái xéo tính nói luôn rồi, nhưng mà…

“Mở cửa coi ba!”

“Ờ để ba ra.”

“Tụi nó gọi hả?”

“Ờ, có chuông mà không chịu bấm, đi gọi điện thoại mới ghê.”

“Tao quên nói mày biết, chuông nhà tao đứt dây rồi.”

Mái xéo đuối luôn. Sao nó không để tối rồi nhắn tin báo luôn thể.

“Ở trển làm gì vậy ba? Bấm chuông hoài không xuống.”

Mái bấm khệ nệ đem bịch trái cây vô. Chỉ làm lố, có hai ba kí thôi mà trời.

“Chắc đang tư vấn sức khỏe sinh sản.”

Con mái ngang lanh quá.

“Bấm chuông mún xụi tay luôn.”

Mái tự nhiên thì lấy khăn giấy lau mồ hôi. Vừa lau nó vừa chửi.

“Chuông hư rồi.”

Bốn đứa con gái liếc một thằng bé trai.

“Tín đâu?”

“Ở trên lầu đó.”

“Khỏe chưa?”

“Cũng bớt rồi, chỉ có điều đi không nổi thôi.”

Mái duỗi quay qua dòm coi mái xéo có biết logic học là gì không?


-------

“Tín khỏe chưa?”

Mái ngang vô trước, có mình nó là khỏe nhất, đâu cầm gì đâu

“Cũng đỡ đỡ rồi.”

“Vậy ăn cháo được không?”

Nó hỏi tha thiết lắm cơ.

“Chắc được, không sao đâu?”

“Vậy mày xuống bắt nồi cơm đi Linh.”

Chị ấy có cảm nhận được là chỉ có năng khiếu vô duyên bẩm sinh không?

“Tụi tui xuống nhà dưới làm hén.”

“Ờ, tự nhiên đi, ba mẹ tui dễ lắm!”

“Bất quá chỉ cột mấy bà vô bao đem đi chà như chà lúa thôi.”

Mái duỗi liếc mái xéo muốn rớt cặp chân mài, tại nhà người lạ nên nó còn lịch sự, không thôi cũng đạp cho chúi nhũi rồi.

Tầm hai, ba giờ gì đó là mái ngố bình thường trở lại, mấy cái vết đỏ lặn từ từ, cũng còn nhưng không đáng kể. Da thằng bé nhạy cảm quá mức.

Chút ít thời gian ngắn ngủi từ mười hai giờ đến hai giờ cũng đủ để các em gái tung hoành bốn bể. Mái bấm nấu cơm, hên là nấu bằng nồi cơm điện, mà cũng đâu có nên thân đâu. Bả để đã đời mà không chịu ấn nút, đi qua đi lại, đi tới đi lui, đi xuôi đi ngược, mượn mái ngố mấy cuốn Đôrêmon, ngồi đọc, rồi cười cho đã đời, chạy xuống coi mới biết chưa nhảy qua nút đỏ. Vậy là xong, làm mấy em ngó thấy thương.

Đói meo phấn.

Mái tự nhiên nấu toàn mấy món rau, trộn xà lách cà chua khí thế. Chắc nó muốn ăn chay cho thanh lọc cơ thể.

Mái ngang thì đi ép cam, chanh, bưởi với hạnh (tắc) gì đó lộn tùng phèo. Nó muốn cung cấp dưỡng chất Vitamin C cho mịn da đẹp tóc. Nó ngồi vật lộn một hồi với cái máy xay sinh tố, rồi không biết suy nghĩ sao trăng gì đó, nó với mái duỗi ngồi lột bưởi chấm muối ớt ăn ngon lành.

Cả buổi trời hai đứa đem lên hai ly nhỏ xíu, chắc bằng ly trà hồi sáng. Chưa kể trừ hao phần đá nó bỏ vô nữa chớ. Mấy đứa này đi bán sinh tố chắc mau giàu dữ lắm.

Bữa cơm diễn ra không như mong đợi, rau trộn của mái tự nhiên bỏ hạnh hơi lố, ăn rau mà cứ ngỡ như là đang ăn gỏi chanh xắt mỏng. Chua cãi trời đất.

Món canh nó nấu còn toàn quốc hơn canh quán cơm trước trường, toàn nước với nước, phần cái mái xéo nó thử từ khi chỉ mới gần chín.

Giờ ăn diễn ra trong sự gượng ép, các em trai vừa ăn vừa cười, sợ nhăn mặt rủi mái tự nhiên thấy, nó cầm nguyên cái muỗng xới cơm xới vô trong mặt rồi sao?

Tầm bốn giờ chiều, đồ mái xéo cũng hơi khô khô nên nó lấy mặc đại rồi đi về. Coi như tàn cuộc party tại nhà mái ngố, bãi chiến trường được phi tang sạch sẽ. Mái xéo về chung với mái tự nhiên, vì nhà tụi nó tiện đường hay gì đó. Tiện tay mái ngang bẻ bớt mấy trái cau đem về làm kỷ niệm. Chắc nó muốn bắt chước Ngọc Huyền đóng trích đoạn cải lương 'Nàng Út bán cau'.

.:Trang Chủ:.
Copyright © 2020 - Đọc Truyện - All rights reserved.